×

Mách ứng viên 5 cách trả lời nhà tuyển dụng khi không trúng tuyển

Mách ứng viên 5 cách trả lời nhà tuyển dụng khi không trúng tuyển

Mách ứng viên 5 cách trả lời nhà tuyển dụng khi không trúng tuyển

Gửi email cho nhà tuyển dụng để trả lời khi không trúng tuyển thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch sự, đồng thời mang đến những cơ hội cho bạn trong tương lai. Nếu không may nhận được một bức thư từ chối từ nhà tuyển dụng, bạn hãy vực lại tinh thần và cùng TopCV trả lời khi không trúng tuyển một cách lịch sự và chu đáo nhé!

Lý do ứng viên cần gửi email phản hồi khi trượt phỏng vấn

Các ứng viên trượt phỏng vấn đôi khi không phải vì không đủ giỏi, mà vì họ không phải người phù hợp nhất. Vì thế, thay vì chán nản, phản hồi email từ chối sau phỏng vấn là cách giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và xây dựng mối quan hệ tích cực với nhà tuyển dụng.

Trong một số trường hợp, trả lời khi không trúng tuyển một cách lịch sự và tinh tế có thể mang lại lợi ích cho bạn. Cụ thể như:

  • Ứng viên đã được tuyển dụng quyết định không nhận vị trí đó
  • Ứng viên đã nhận việc nhưng nhanh chóng rời đi sau một thời gian ngắn
  • Nhà tuyển dụng có một cơ hội việc làm khác phù hợp hơn với bạn

Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà tuyển dụng có thể liên hệ lại và trao cho bạn cơ hội mới, miễn sao bạn thể hiện mình là một ứng viên nổi bật, kể cả khi đã bị từ chối trước đó.

>> Tìm thêm việc làm lương cao, uy tín để apply nhanh chóng tại TopCV!

Tìm việc ngay

Phản hồi email từ chối sau phỏng vấn là cách duy trì liên hệ với nhà tuyển dụng đầy khéo léo

>>> Tìm hiểu thêm: Cách viết thư từ chối offer tinh tế, không mất lòng nhà tuyển dụng

Cách trả lời khi không trúng tuyển qua email lịch sự nhất

Để gửi email trả lời khi không trúng tuyển, bạn nên cân nhắc đưa những yếu tố sau vào trong nội dung thư gửi đến nhà tuyển dụng:

Lời cảm ơn

Bạn sẽ được đánh giá cao hơn những ứng viên khác nếu đưa lời cảm ơn vào trong thư phản hồi khi bị từ chối. Bạn có thể trình bày lời cảm ơn theo các cách như:

  • Cảm ơn nhà tuyển dụng đã cho bạn biết quyết định của họ trong thời gian sớm nhất.
  • Bày tỏ lòng biết ơn khi nhà tuyển dụng đã dành thời gian cân nhắc bạn cho vị trí mà họ đang tuyển dụng.
  • Cảm ơn nhà tuyển dụng vì họ đã tạo cho bạn cơ hội được tìm hiểu về công ty, tham gia phỏng vấn và gặp gỡ một số người đang làm việc ở đó. Đồng thời cho thấy sự hứng thú của bạn với văn hóa làm việc của công ty cũng như đưa ra một đề nghị về việc họ có thể lưu ý đến bạn để có những cơ hội tương tự trong tương lai.

Phần này bạn nên viết ngắn gọn trong 1-2 câu, đặt ở ngay phần đầu của email.

Thể hiện sự thất vọng

Tiếp theo, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn rất thất vọng khi biết mình không phải là ứng viên được chọn cho vị trí công việc tại công ty. Với sự tiếc nuối của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng bạn thực sự nghiêm túc và quan tâm đến vị trí tuyển dụng cũng như công ty của họ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù bày tỏ sự thất vọng nhưng bạn cũng cần sử dụng giọng điệu tích cực trong email.

Sử dụng ngôn từ tích cực, lịch sự để trả lời khi không trúng tuyển

Thể hiện sự quan tâm đến công ty tuyển dụng

Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn vẫn rất quan tâm và hứng thú đến các vị trí tuyển dụng của công ty họ. Bạn vẫn muốn được xem xét cho các cơ hội trong tương lai. Điều này hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho bạn vì rất có thể công ty họ còn một số vị trí trống khác phù hợp hơn với bạn. Nhà tuyển dụng có thể sẽ cân nhắc giới thiệu bạn vào vị trí đó.

Yêu cầu phản hồi

Nếu trong email từ chối, nhà tuyển dụng đã trình bày lý do bạn không được nhận thì bạn không cần đưa nội dung này vào. Tuy nhiên, nếu nhà tuyển dụng chỉ đưa ra những lý do chung chung như “bạn không phù hợp”, “đã có ứng viên khác phù hợp hơn” thì bạn nên hỏi.

Hãy hỏi một cách tôn trọng và lịch sự về lý do khiến bạn bị đánh trượt. Là do kỹ năng, kinh nghiệm của bạn chưa đủ tốt để đáp ứng yêu cầu công việc, hay tính cách của bạn chưa phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Lời góp ý của nhà tuyển dụng có thể là kinh nghiệm hữu ích để bạn điều chỉnh lại bản thân trong những cuộc phỏng vấn sau.

Cần thể hiện sự cầu tiến dù không trúng tuyển

Để lại thông tin liên hệ

Mục tiêu cuối cùng của việc gửi email trả lời khi không trúng tuyển là duy trì sự kết nối với nhà tuyển dụng và có được những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế, hãy để lại địa chỉ liên hệ trong chữ ký email của bạn, gồm số điện thoại, địa chỉ và hồ sơ trực tuyến. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng liên hệ với bạn nếu trong tương lai họ muốn tìm kiếm ứng viên cho một vị trí mới hoặc vị trí tuyển dụng hiện tại của họ không thành công.

>>> Tìm hiểu thêm: 8+ lưu ý khi viết đơn xin việc bạn cần nắm rõ

Khám phá các mẫu CV chất lượng, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng khi xin việc

Tạo CV ngay

Mẫu email trả lời khi không trúng tuyển chuyên nghiệp nhất

Dưới đây là một số ví dụ về email phản hồi nhà tuyển dụng khi không trúng tuyển. Hãy đảm bảo rằng bức thư của bạn bao gồm những chi tiết cụ thể chứ không phải một vài dòng chung chung vô nghĩa.

Mẫu email số 1: Mong nhận được phản hồi góp ý

Kính gửi Anh/Chị [Tên người phỏng vấn],

Em cảm ơn anh/chị đã phản hồi lại cho em biết về quyết định tuyển dụng của công ty. Mặc dù rất thất vọng khi biết mình không được chọn cho vị trí [Chức danh công việc], nhưng em rất biết ơn vì đã có cơ hội tham gia buổi phỏng vấn cùng anh/chị, để biết thêm về công ty và những giá trị đặc biệt của tổ chức.

Sau cuộc phỏng vấn vừa rồi, em rất muốn biết lý do em không được nhận vào trị trí này. Có kỹ năng nào em cần cải thiện để có được cơ hội ứng tuyển vào công ty mình trong tương lai không? Có kinh nghiệm gì để em có thể trở thành một ứng cử viên sáng giá hơn không? Nếu anh/chị có thời gian rảnh rỗi, mong anh/chị có thể phản hồi lại giúp em, góp ý cho em để em có thể cải thiện kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cho bản thân.

Một lần nữa, em cảm ơn anh/chị vì đã dành thời gian cân nhắc. Em hy vọng sau này sẽ còn có cơ hội được gặp lại anh/chị. Em xin chúc anh/chị cùng quý công ty những điều tốt đẹp nhất!

Trân trọng,

[Họ tên]

Góp ý từ nhà tuyển dụng mang đến cho bạn kinh nghiệm phát triển sự nghiệp

Mẫu email số 2: Gửi thông tin liên hệ để được kết nối trong tương lai

Kính gửi Anh/Chị [Tên người phỏng vấn],

Cảm ơn anh/chị đã tạo cho em cơ hội làm quen với công ty [Tên công ty] và đã dành thời gian quý báu để phỏng vấn em. Em thực sự biết ơn vì anh/chị đã tôn trọng và sắp xếp lịch phỏng vấn theo lịch trình của em.

Qua những lời chia sẻ của anh/ chị trong buổi phỏng vấn trước, em cảm thấy vô cùng hứng thú và yêu thích văn hóa làm việc tại công ty mình. Vì thế, em rất thất vọng khi không đủ điều kiện trúng tuyển vào vị trí [Tên vị trí] để trở thành một thành viên của công ty mình.

Dù vậy, em vẫn mong muốn được cân nhắc nếu có các cơ hội việc làm phù hợp hơn sau này. Em sẵn lòng cải thiện những kỹ năng, kinh nghiệm và cả chứng chỉ, bằng cấp của mình để có thể trở thành ứng viên phù hợp hơn với công ty mình trong tương lai.

Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn anh/chị và quý công ty đã dành thời gian cho em. Nếu có bất cứ cơ hội việc làm nào phù hợp, em mong anh/chị liên hệ lại với em qua email này hoặc theo số điện thoại [Chèn số].

Trân trọng,

[Họ tên]

Để lại thông tin liên hệ để gia tăng cơ hội kết nối việc làm trong tương lai

>>> Tìm hiểu thêm: Mách cách viết thư xin việc ‘lấy lòng’ nhà tuyển dụng ngay lập tức

Mẫu email số 3: Tiếp tục ứng tuyển vào một vị trí khác

Kính gửi Anh/Chị [Tên người phỏng vấn],

Cảm ơn anh/chị rất nhiều vì đã dành thời gian phản hồi lại kết quả phỏng vấn cho em. Mặc dù khá thất vọng về bản thân khi đã trượt vòng phỏng vấn tại công ty mình, nhưng em vẫn rất vui vì đã có cơ hội gặp gỡ anh/chị và được tìm hiểu về dự án [Tên dự án] của công ty mình.

Nhân đây, em được biết công ty cũng đang tuyển dụng vị trí [Tên chức danh công việc] và em không hề ngần ngại tiếp tục ứng tuyển vào công ty với một vai trò mới. Em thực sự ngưỡng mộ cách mà công ty mình đang hoạt động để có thể cải cách ngành [Bất kỳ mô tả cụ thể nào mà bạn quan tâm], nên em thực sự mong muốn được trở thành một phần của tổ chức. Như vậy, em xin phép được ứng tuyển vào vị trí mới mà công ty mình đang tuyển dụng.

Ngoài ra, em sẽ rất cảm kích nếu anh/chị có thể dành ra vài phút để đưa một số lời phê bình về cách em trình bày bản thân qua sơ yếu lý lịch, thư xin việc, buổi phỏng vấn, v.vv.. Hay em có những điểm yếu nào cần cải thiện để trở thành ứng viên phù hợp hơn với công ty mình hay không?

Em hy vọng rằng anh/chị có thể phản hồi lại em khi có thời gian.

Một lần nữa, em cảm ơn anh/chị và công ty đã dành thời gian cho em. Em xin kính chúc anh/chị và công ty dồi dào sức khỏe để đưa dự án vào thực thi và hoàn thiện!

Trân trọng,

[Họ tên]

Chớp lấy cơ hội ứng tuyển ngay trong thư phản hồi nhà tuyển dụng

>>> Tìm hiểu thêm: Cách gửi email xin việc để ngay lập tức ghi điểm với nhà tuyển dụng

Mẫu email số 4: Giới thiệu ứng viên phù hợp cho nhà tuyển dụng

Kính gửi Anh/Chị [Tên người phỏng vấn],

Cảm ơn anh/chị đã cho em cơ hội phỏng vấn ở vị trí [Tên chức danh công việc] tại công ty [Tên công ty]. Cách anh/chị dẫn dắt cuộc phỏng vấn đã tạo cho em cảm giác vô cùng thoải mái trong suốt quá trình.

Mặc dù rất thất vọng vì không được nhận vào vị trí này, nhưng em hiểu rằng không phải ai cũng phù hợp một cách hoàn hảo. Nếu công ty mình vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp nhất, em xin phép được giới thiệu một người đồng nghiệp cũ của em, đã có [số năm] kinh nghiệm làm ở vị trí [Tên chức danh công việc].

Đó có thể là một ứng cử viên sáng giá khi không chỉ xử lý được công việc một cách hoàn hảo mà còn có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, rất phù hợp với văn hóa làm việc ở công ty mình.

Nếu anh/chị có thời gian, vui lòng phản hồi lại email này của em, hoặc gọi qua số điện thoại [Chèn số] để em có thể kết nối công ty với ứng viên mới.

Trân trọng,

[Họ tên]

Trở thành cầu nối việc làm cho những ứng viên phù hợp hơn

Mẫu email số 5: Thể hiện mong muốn được đồng hành

Kính gửi Anh/Chị [Tên người phỏng vấn],

Em cảm ơn anh/chị đã phản hồi thông tin về kết quả của buổi phỏng vấn.

Dù phải thừa nhận rằng em rất thất vọng vì không thể làm việc với tư cách là một phần của công ty [Tên công ty], nhưng vẫn thật tuyệt vời vì em đã được gặp anh/chị, được tìm hiểu về chiến lược phát triển của công ty cùng thái độ nhiệt huyết của các nhân sự nơi đây.

Em sẽ rất vui nếu được tiếp tục theo dõi hoạt động của công ty mình, khi công ty mở rộng sản phẩm đến thị trường Anh, Mỹ chứ không chỉ giới hạn ở trong nước. Em không ngại chờ đợi thêm để xem công ty mình sẽ có những bước tiến ngoạn mục như thế nào để đạt được sự mở rộng đó.

Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn anh/chị và công ty đã tạo cho em cơ hội được tham gia buổi phỏng vấn. Hy vọng rằng trong tương lai, em sẽ được gặp lại anh/chị một lần nữa nếu có cơ hội việc làm nào khác phù hợp hơn.

Em chúc anh/chị cùng công ty luôn tiến bước về phía trước với những điều tốt đẹp nhất!

Trân trọng,

[Họ tên]

Luôn luôn thể hiện sự chuyên nghiệp và phong thái tự tin

>>> Tìm hiểu thêm: Cách gửi email xin việc để ngay lập tức ghi điểm với nhà tuyển dụng

Trên đây là 5 mẫu email trả lời khi không trúng tuyển lịch sự và chuyên nghiệp nhất. Đây là việc làm quan trọng giúp duy trì các mối quan hệ nghề nghiệp tiềm năng trong tương lai của bạn.

Và để tiếp tục sự nghiệp với những cơ hội việc làm hấp dẫn khác, bạn đừng quên truy cập vào nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV, nơi cung cấp hàng ngàn tin tuyển dụng được cập nhật mới nhất trên toàn quốc. Đồng thời, bạn có thể tận dụng công cụ tạo CV của TopCV để chuẩn bị hồ sơ xin việc một cách chỉn chu, gia tăng khả năng trúng tuyển vào các doanh nghiệp ưu tú!